Chi tiết


Lò hơi bán tầng sôi 15 tấn hơi giờ
Lò Hơi Tầng Sôi Là Gì?
Lò tầng sôi hay còn gọi là nồi hơi tầng sôi là loại lò hơi công nghiệp sử dụng buồng đốt kiểu tầng sôi (được tạo thành từ hàng triệu hạt cát, xỉ hoặc một số loại vật liệu đặc biệt) để đốt cháy nhiên liệu. Buồng đốt tầng sôi tạo ra điều kiện hòa trộn rất tốt trên toàn bộ diện tích của buồng đốt nên nhiên liệu sẽ cháy kiệt trong khi nhiệt độ buồng đốt lại không quá cao, làm giảm lượng phát thải các loại khí có hại.
Khí thải được tạo ra trong quá trình đốt tầng sôi chứa tỷ lệ phần trăm lưu huỳnh và nitơ oxit nhỏ hơn đáng kể so với các kiểu buồng đốt thông thường.
Lò tầng sôi có thể được thiết kế để đốt được nhiều loại nhiên liệu khác nhau như than đá, nhiên liệu sinh khối, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt đã phân loại… Do đó, lò hơi tầng sôi là kiểu lò hiệu quả nhất cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện bảo vệ môi trường, tức là hiệu suất cao nhưng phát thải thấp.
PHẠM VI ỨNG DỤNG CỦA LÒ HƠI TẦNG SÔI
Lò hơi tầng sôi được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp:
- Đồng Phát Hơi Nhiệt Điện
- Chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, nhựa, cao su, thức ăn chăn nuôi, sản xuất đường, giấy và bao bì …
Lò hơi bán tầng sôi 15 tấn hơi giờ
Ưu điểm của lò hơi tầng sôi:
- Lò tầng sôi bọt có thể được thiết kế để đốt cháy bất kỳ loại nhiên liệu nào, bao gồm than đá với độ tro 60 - 70% hoặc có tỷ lệ chất bốc nhỏ hơn 1%.
- Các chi tiết chuyển động trong lò hơi tầng sôi ít hơn nhiều so với các lò hơi sử dụng nguyên lý cũ như lò ghi xích.
- Lò tầng sôi có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt mà không cần dùng đến các thiết bị xử lý đắt tiền.
- Nhiên liệu sử dụng đa dạng: Than cám, trấu rời, trấu viên, củi viên, củi băm, rác ngành giấy, biomass...
PHÂN LOẠI CÁC LÒ HƠI TẦNG SÔI
Lò tầng sôi được chia làm 3 loại (hoặc 3 thế hệ):
• AFBC Boiler: Lò hơi tầng sôi ở áp suất khí quyển, là loại lò tầng sôi phổ biến nhất. Nó còn được gọi với tên khác là lò hơi tầng sôi bọt (BFB Boiler).
• CFBC Boiler: Lò hơi tầng sôi tuần hoàn, đây là biến thể tốc độ sôi cao của lò tầng sôi với vận tốc khói trong buồng đốt lên tới 4 – 6 m/s, các hạt rắn trong khói (bao gồm chất nền và nhiên liệu) sẽ được giữ lại nhờ Cyclone tách (loại nóng hoặc lạnh) và tuần hoàn trở lại buồng đốt. Loại lò tầng sôi này có hiệu quả đốt cháy nhiên liệu rất cao tuy nhiên giá thành đầu tư ban đầu cũng cao tương ứng. Vì vậy, lò CFBC thường được thiết kế đối với dải công suất từ 100 tấn/giờ trở lên.
• PFBC Boiler: Lò hơi tầng sôi có áp, đây là biến thể đặc biệt của lò tầng sôi trong đó toàn bộ lò được đặt trong một khu vực áp suất cao (khoảng 16kg/cm2). Khí nóng sinh ra sau khi qua các bộ trao đổi nhiệt được sử dụng để chạy tua bin khí. Hơi nước sinh ra từ các bộ trao đổi nhiệt được sử dụng để chạy tua bin hơi. Lò hơi PFBC nhìn chung có hiệu suất hệ thống cao hơn so với hai dạng còn lại tuy nhiên chi phí đầu tư cũng rất cao và cấu tạo hệ thống phức tạp là trở ngại lớn. Dải công suất thiết kế của PFBC là 70 – 350 MW.

CẤU TẠO
Cấu tạo lò hơi tầng sôi thông thường bao gồm 5 hệ thống con:
1. Hệ thống cấp liệu
Không như các lò hơi kiểu cũ (lò ghi xích và ghi tĩnh), nhiên liệu cấp cho lò hơi tầng sôi đòi hỏi phải có kích thước đồng đều và độ lớn theo quy định nhằm đạt được điều kiện đốt cháy tối ưu. Đối với than, giới hạn kích thước là 0-10mm. Đối với biomass nói chung, giới hạn kích thước là 0-50mm. Nhiên liệu có thể được vận chuyển bằng băng tải, vít, gàu tải… tới các si lô chứa để dự trữ hoặc cấp trực tiếp đến lò hơi. Tùy theo loại nhiên liệu hoặc bố trí mặt bằng mà hệ thống cấp liệu sẽ được thiết kế để tối ưu nhất. Hệ thống cấp liệu có thể có thêm các thiết bị cảm biến đo khối lượng (loadcell) lắp trên các phễu chứa nhiên liệu hay lắp trên băng tải nhiên liệu để đo lường lượng nhiên liệu cấp vào lò, phục vụ cho việc tính tiêu hao nhiên liệu và hiệu suất của lò hơi.
Đối với lò tầng sôi, nhiên liệu cấp vào lò có thể được phun bên trên mặt lớp sôi hoặc cấp từ bên dưới lớp sôi. Kiểu cấp liệu bên dưới lớp sôi chỉ được sử dụng đối với than đá đã qua nghiền sơ bộ với kích thước nhỏ và hiếm gặp trên thực tế.
Một số lò hơi đốt các loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ cần cấp thêm đá vôi để xử lý nhằm giảm phát thải khí SOx. Các chất hấp thụ này sẽ được nghiền xuống cỡ hạt khoảng 0 - 6mm và phun vào buồng đốt.
2. Buồng đốt tầng sôi
Một tập hợp các hạt rắn sẽ trở thành tầng sôi khi có một lượng khí áp suất cao được đưa vào từ mặt dưới của lớp hạt rắn và làm cho lớp hạt rắn ứng xử như chất lỏng: Các vật thể có khối lượng riêng lớn hơn lớp hạt rắn sẽ chìm xuống còn vật thể có khối lượng riêng nhỏ hơn sẽ nổi (định luật Archimedes).
Độ sôi của lớp hạt rắn phụ thuộc rất lớn vào kích thước hạt và vận tốc sôi. Vận tốc sôi của lớp hạt rắn tăng chậm hơn so với tốc độ của dòng khí đi trong đó. Sự chênh lệch tốc độ này được gọi là vận tốc trượt. Vận tốc trượt càng lớn thì khả năng hòa trộn nhiên liệu càng tốt và hiệu quả cháy sẽ càng cao.
Buồng đốt của lò BFB thường bao gồm một lớp nền sôi thấp và một khu vực trống bên trên (Freeboard). Năng lượng giải phóng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu được phân chia giữa khu vực bên dưới và khu vực bên trên của buồng đốt theo tỷ lệ 88:12. Nghĩa là năng lượng tập trung chủ yếu ở khu vực lớp sôi. Nhiệt độ lớp sôi đối với lò BFB đốt than được duy trì trong khoảng 800 - 900oC bằng cách trích xuất lượng nhiệt phù hợp. Tuy nhiên, đối với lò đốt biomass, nhiệt độ lớp sôi phải được giữ ở dưới 750oC để tránh đóng keo lớp nền trong buồng đốt, do hàm lượng hợp chất Natri và Kali trong biomass cao sẽ làm giảm nhiệt độ nóng chảy của lớp nền.
3. Hệ thống cấp gió và xử lý khí thải:
Gió cấp một tạo lớp sôi (Primary Air) được gia nhiệt khi đi qua bộ sấy không khí và đi vào buồng phân phối gió dưới đáy lò. Mặt trên buồng phân phối gió có rất nhiều béc phun nhằm phân đều lượng gió cấp ra khắp bề mặt buồng đốt giúp buồng đốt sôi đều. Các béc phun cũng ngăn các hạt rắn trong lớp sôi lọt vào buồng cấp gió. Thiết kế hệ thống phân phối gió để buồng đốt sôi đều là cực kỳ quan trọng đối với lò tầng sôi.
Gió cấp hai (Secondary Air) sẽ được cấp vào bên trên vùng buồng đốt trống để cấp thêm oxy nhằm đốt cháy các chất bốc bị đẩy lên cao. Tùy theo loại nhiên liệu mà gió cấp hai có thể chiếm tỷ trọng cao hay thấp hoặc có thể bị loại bỏ.
Nhiệt lượng do khói nóng khi đi từ buồng đốt dưới đến buồng đốt trên sẽ bị hấp thu bởi các tường nước xung quanh buồng đốt, sau khi qua khỏi khu vực buồng đốt, nhiệt độ khói giảm xuống khoảng 600oC. Khói tiếp tục đi qua vùng đối lưu và truyền nhiệt lượng cho các ống nước trong khu vực này trước khi ra khỏi lò. Sau đó, khói nóng đi qua bộ hâm nước, bộ sấy không khí rồi đến hệ thống xử lý khói. Sau khi đạt các tiêu chuẩn môi trường, khói được đẩy lên ống khói và thải ra ngoài không khí.
4. Hệ thống thải xỉ
Lò hơi tạo ra hai loại chất thải chính: Khói và chất thải rắn. Chất thải rắn bao gồm xỉ từ nhiên liệu và sản phẩm từ các chất hấp thụ. Khói thải đóng góp rất lớn vào ô nhiễm không khí, vì vậy hệ xử lý khói luôn được thiết kế với ưu tiên cao nhất.
Xỉ kích thước lớn thường được lấy ra khi xả xỉ dưới buồng đốt trong khi tro bay (xỉ kích thước rất nhỏ) thường bay theo khói và được lấy ra tại phễu dưới bộ hâm nước - gió và tại các thiết bị lọc bụi. Tro bay có thể được đưa đến phòng chứa bằng vít tải, băng tải hoặc hệ thống thổi tro.
Hệ xử lý khói có thể bao gồm các thiết bị lọc bụi như Cyclone, Ventury, Lọc bụi túi, Lọc bụi tĩnh điện… và thiết bị xử lý khí độc như tháp xử lý SOx…
Với đặc tính nhiệt độ buồng đốt dưới 900oC, tạo được môi trường tốt nhất để không sinh ra các khí thải có hại như SOx, NOx. Lò hơi tầng sôi không yêu cầu phải có các thiết bị xử lý đắt tiền nhưng vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.
5. Các cụm sinh hơi:
Giống như các lò hơi thông thường khác, lò tầng sôi cũng có các phần sinh hơi như tường nước, ống đối lưu, ống bức xạ… Các ống quá nhiệt có thể được bố trí ở khu vực buồng đốt trên cũng như ở khu vực đối lưu.
Nước cấp được bơm vào balong sau khi đi qua bộ hâm nước. Tại balong, nước tiếp tục theo các ống nước xuống để đến các ống góp dưới, sau đó đi lên qua các ống vách ướt, đối lưu và được gia nhiệt đến nhiệt độ bay hơi sau đó về lại balong. Ở balong hơi được tách ra và cấp đến khách hàng. Đối với các lò quá nhiệt, hơi tách ra tại balong sẽ tiếp tục đi qua các ống quá nhiệt để trở thành hơi quá nhiệt nhằm chạy tua bin hơi.
Lò hơi bán tầng sôi 15 tấn hơi giờ
Đặc điểm kỹ thuật của Lò hơi bán tầng sôi 15 tấn hơi giờ
- Năng suất sinh hơi: 15 Tấn / giờ.
- Áp suất làm việc: 15 Bar.
- Nhiên liệu chính: trấu xay, trấu viên, mùn cưa, củi vụn, bột gỗ....
- Phương pháp đốt: Cháy lơ lửng theo lớp sôi.
- Chế độ làm việc: tự động cấp nước, tự động giữ ổn định áp suất trong phạm vi cho phép, bảo vệ quá áp suất, bảo vệ mức nước thấp, bảo vệ nhiệt độ buồng đốt .
- Khử bụi: 2 cấp, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam về khí thải ra ngoài không khí
- Lò trang bị bộ tiết kiệm nhiệt, tăng hiệu suất lò hơi, giảm tiêu hao nhiên liệu đồng thời tăng tuổi thọ của phần thiết bị phía sau lò hơi như quạt khói, ống dẫn khói,...
Hãy để Kim Thành Boiler chúng tôi mang đến những công nghệ lò hơi tầng sôi đáp ứng các nhu cầu trong doanh nghiệp của bạn.
CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP KIMTECH VIỆT NAM
Địa chỉ: 65 Đường số 2A, Khu Phố 4, P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân,Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 0316879796
Điện thoại: 0985 441 437
Mail: noihoikimthanh1986@gmail.com
Website:http://kimtechboiler.com/-https://lohoikimthanh.com/
* Những thông tin hình ảnh tài liệu từ website đã thuộc sỡ hữu riêng.
* Khi sao chép hay cần sữ dụng các thông tin trên website vui lòng liên hệ Mr. Thành